Tại Việt Nam, 2016 đã được xác định là năm quốc gia khởi nghiệp. Và giai đoạn 2017 – 2020 được xem là thời kỳ vàng cho khởi nghiệp với sự ra đời của hàng loạt công ty khởi nghiệp như “nấm mọc sau mưa”; tuy nhiên, số lượng startup thành công chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các startup “chết yểu”. Bên cạnh những yếu tố để Khởi Nghiệp thành công, như ý tưởng kinh doanh, vốn, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu... thì pháp lý cũng là vấn đề cần quan tâm đặc biệt.
1. Đăng kí kinh doanh
Hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực này đã tương đối hoàn chỉnh, cụ thể như Luật doanh nghiệp 2014, Luật thuế, Luật cạnh tranh 2004, Luật bảo vệ người tiêu dùng 2010,… Do đó, khi tham gia vào lĩnh vực này chủ thể khởi nghiệp cần nắm rõ các quy định pháp luật có liên quan để tránh rủi ro.
Lựa chọn ngành nghề kinh doanh: hợp thời, hợp sức nhưng phải hợp pháp. Theo quy định của pháp luật, có tới 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và 6 ngành nghề pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.
Lựa chọn loại hình kinh doanh: Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh, Công ty cổ phần. Mỗi loại hình doanh nghiệp có ưu và khuyết khác nhau. Rất nhiều trường hợp đáng tiếc khiến các bạn khởi nghiệp ở Việt Nam thất bại nặng nề do định hướng doanh nghiệp của mình không theo đúng không hiểu rõ hai loại mô hình này gây ra.
Lựa chọn tên doanh nghiệp: Tên doanh nghiệp gắn liền với việc phát triển thương hiệu. Không thể tùy ý đặt tên doanh nghiệp, mà phải tuân thủ các quy định pháp luật như: không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn trên toàn quốc, không được sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên vi phạm đạo đức, truyền thống dân tộc,....
2. Bản quyền và sở hữu trí tuệ
Mỗi ý tưởng khởi nghiệp thường có tính sáng tạo, mới mẻ và liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, bản quyền tác giả... Đây là tài sản vô hình, nhưng vô giá đối với mỗi doanh nghiệp.
Hiện nay theo nghiên cứu các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không quan tâm đầy đủ việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả cũng như đăng ký thương hiệu… dẫn đến khi tranh chấp thì không có căn cứ để giải quyết.
Cần lưu ý bảo hộ sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù đã qua nhiều năm tham gia thị trường quốc tế nhưng các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam còn nhận thức rất mơ hồ về vấn đề này.
Theo quy định của Cục Sở hữu trí tuệ, thời gian để đăng ký thành công một sản phẩm sở hữu trí tuệ khoảng 1 năm. Các bước theo trình tự gồm: đăng ký, phản hồi, thông báo, thẩm định và cấp chứng nhận. Tuy thời gian kéo khá dài nhưng nếu được công nhận các sản phẩm, thương hiệu đăng ký sẽ được bảo hộ bắt đầu từ ngày đăng ký. Chi phí cho việc này thực ra không quá khổng lồ như ở nước ngoài nên lời khuyên từ các luật sư là các bạn khởi nghiệp nên thực hiện bước này nhanh chóng để tránh các rủi ro pháp lý sau này.
3. Lường trước các tranh chấp
Hiện nay có rất nhiều tranh chấp giữa các doanh nghiệp, trong đó tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp chiếm một phần không nhỏ. Tranh chấp trong các trường hợp này rất đa dạng như tranh chấp về nhãn hiệu, tranh chấp lao động, tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp tác đầu tư…
Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp này phần lớn do các doanh nghiệp chưa nắm rõ những quy định của luật. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu các quy định và ứng dụng pháp luật vào hoạt động kinh doanh của mình để doanh nghiệp phát triển bền vững, tránh những rủi ro pháp lý về sau.
Vì vậy tuy là doanh nghiệp mới thành lập song để tránh rắc rối về sau cần thiết lập các thỏa thuận của các sáng lập viên về góp vốn, sử dụng vốn, quyền sở hữu tài sản, phân chia lợi ích…; xây dựng pháp lý nội bộ, pháp lý với người lao động và với đối tác như nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh doanh thương mại…
Chỉ khi nào hoàn thiện các vấn đề pháp lý thì mới có thể yên tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh, tập trung vào vấn đề sản xuất – kinh doanh cho doanh nghiệp của mình.
Sưu tầm