Thương mại điện tử Việt Nam đang được các chuyên gia nhìn nhận là đầy tiềm năng khi số người sử dụng Internet đang ngày càng tăng. Theo Forbes, thương mại điện tử Việt Nam được xem là đang phát triển rực rỡ với dự báo tăng trưởng 30-50% mỗi năm.
Thương mại điện tử - miền đất hứa cho các startup
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 - 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục.
Thương mại điện tử đang có tốc độ tăng trưởng nhanh (Ảnh sưu tầm)
Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website kinh doanh trực tuyến cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Kết quả khảo sát do Hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) công bố gần đây cũng cho thấy, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ. Cụ thể: Kết quả khảo sát 2017 về nơi chọn mua sản phẩm, cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. Và chỉ sau một năm, kết quả khảo sát 2018 cho thấy số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%). Thương mại điện tử ở Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian qua và có thể đạt 10 tỷ USD 4 năm tới, tuy nhiên, hiện vẫn có vùng “trắng” về TMĐT tại các tỉnh, thành ở Việt Nam. Đó chính là không gian lý tưởng để các startup có thể “hô mưa gọi gió” và tiếp cận phân khúc khách hàng thích hợp để có thể cạnh tranh và phát triển.
Thương mại điện tử của Việt Nam vẫn còn nhiều vùng "trắng" (Nguồn:VOV)
Còn nhiều thách thức cho startup thương mại điện tử trong nước
Thách thức với các doanh nghiệp nội địa không nhỏ bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào lĩnh vực này. Người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là thế hệ người tiêu dùng trẻ hiện khá ưa chuộng mua hàng qua các website kinh doanh trực tuyến của nước ngoài như Amazon, eBay… Giải thích cho hiện tượng này, VECOM cho rằng hàng hóa của nước ngoài phong phú, đa dạng và phù hợp với người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thành thị. Bên cạnh đó, các nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu có uy tín cao. Và một yếu tố khác là chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.
Chưa kể thị trường trong nước đang bước sang giai đoạn phát triển khá nhanh, chứng kiến sự phát triển rực rỡ của những anh cả đầu ngành như: Tiki, Lazada, Sendo, Shopee, Adayroi… với quy mô lớn và doanh thu cao, tạo nên thách thức lớn cho các startup còn non trẻ có thể cạnh tranh và vươn lên. Đồng thời, sự chênh lệch giữa các địa phương ngày càng gia tăng và có thể dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập.
Ở khía cạnh khác, VECOM phân tích: “Phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không qua các nhà phân phối trung gian”. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến vừa và nhỏ cũng vẫn “đuối” hơn so với các ông hoàng trong nước.
Lĩnh vực thương mại điện tử còn nhiều cạnh tranh đối với startup (Ảnh sưu tầm)
Nắm bắt tâm lý khách hàng - Chìa khóa vàng của ngành thương mại điện tử
Trong kinh doanh, khách hàng chính là yếu tố vô cùng quan trọng, vì thế dân gian mới có câu “khách hàng là thượng đế”. Riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử, các “thượng đế” còn được nâng lên tầm cao mới, trở thành nhân tố quyết định sống còn, thành bại của một công ty. Một khi website thương mại của bạn không làm khách hàng có hứng thú mua sắm, hay bị phàn nàn quá nhiều về chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì con đường lụn bại đang chờ bạn phía trước. Vì thế, bí quyết tối thượng cho mọi nhà khởi nghiệp trẻ khi dấn thân vào kinh doanh online là nắm bắt tâm lý khách hàng. Dưới đây là 3 bí kíp để trang web bán hàng trực tuyến của bạn có thể làm xiêu lòng bất cứ khách hàng nào.
Nắm bắt tâm lý các "thượng đế" để website thành công hơn (Ảnh sưu tầm)
Giao diện trang web thân thiện, đáng tin cậy
Thương hiệu và niềm tin luôn đi kèm với nhau, đặc biệt là ở thương mại điện tử. Ngay cả khi bạn sở hữu công ty uy tín nhất thế giới nhưng website không thể hiện được điều đó, khách hàng vẫn rời khỏi trang web của công ty.
Ai lướt web cũng từng vào những trang vừa nhìn trông đã thấy không đáng tin. Chủ web thiết kế màu sắc sặc sỡ, bố cục mặt hàng rối rắm, phông chữ cứng nhắc khiến người mua cảm giác web này "sinh ra để lừa đảo khách". Vì thế, ấn tượng đầu tiên sẽ là tất cả đối với một website. Các nghiên cứu chỉ ra rằng "nhìn" và "cảm thấy" về một website là yếu tố chính tạo ra ấn tượng đầu tiên. Một website có giao diện nghèo nàn ngay lập tức tạo cảm giác thiếu tin tưởng đối với người xem. Chủ web nên tham khảo nhiều trang web nổi tiếng và tìm hiểu thị hiếu khách hàng để có thể khiến khách hàng cảm thấy hài lòng và thoải mái khi sử dụng. Để hút khách hàng, các trang web cần thể hiện sự chuyên nghiệp, từ thiết kế giao diện đến nội dung và mẫu mã sản phẩm. Giao diện website nên sử dụng những gam màu nhẹ nhàng, tạo cảm giác thoải mái như tông màu pastel để người mua cảm thấy dễ chịu khi truy cập, đồng thời sẽ tăng hứng thú mua sắm. Có thể kể đến giao diện màu xanh da trời nhẹ nhàng của Tiki, màu vàng cam và lam sáng của Lazada hay màu lam đậm của Adayroi, tất cả đều làm thị giác người dùng dễ chịu và tăng thêm cảm hứng mua sắm.
Ngoài ra, đa phần người dùng hiện nay sử dụng điện thoại, máy tính bảng để vào web nên một trang web được tối ưu hiển thị trên màn hình bé hết sức quan trọng. Người bán cần so sánh hai phiên bản trên di động và trên máy bàn để chắc chắn khách hàng dễ thao tác và cảm thấy thích thú khi dùng.
Các trang web mua sắm với giao diện thân thiện (Ảnh sưu tầm)
Chăm sóc khách hàng chu đáo
Có nhiều cách để chúng ta cải thiện hình ảnh thương hiệu, nhưng quan trọng vẫn là thấu hiểu được nỗi lo lắng, mối quan tâm cũng như lý do tìm đến sản phẩm của khách hàng. Nếu trang web của bạn làm tốt khâu chăm sóc khách hàng thì bạn có thể duy trì được một lượng khách thân thiết ổn định cho công ty, đồng thời còn có thể tiếp cận thêm được nhiều khách hàng tiềm năng khác nhờ sự lan tỏa uy tín từ những vị khách đã mua hàng.
Để có thể xây dựng được niềm tin cho khách hàng như vậy, bạn nên đầu tư mạnh vào đội ngũ chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp để có thể kịp thời giải đáp những thắc mắc, khiếu nại về sản phẩm, dịch vụ của công ty với thái độ ân cần, hòa nhã. Đồng thời, với những phản hồi xấu về sản phẩm sau khi mua hàng, các nhân viên nên chú trọng giải quyết và tư vấn cho người sử dụng để tránh những khuyết điểm đó cho lần mua sau, cũng như tạo dựng niềm tin cho những khách hàng khác cùng mua sản phẩm.
Ngoài ra, dịch vụ giao hàng cũng cần được lưu tâm để khách hàng có thể nhận được sản phẩm trước thời gian dự kiến, hài lòng với thái độ thân thiện, nhiệt tình của nhân viên chuyển phát. Thêm vào đó, chính sách bảo hành, đổi trả sản phẩm cần rõ ràng, thuận tiện cho người sử dụng. Các trang web thương mại lớn của Việt Nam hiện nay như Lazada, Tiki chính là ví dụ thực tế cho việc chỉn chu trong khâu trong quy trình chăm sóc khách hàng. Lazada và Tiki thường giao hàng sớm hơn ngày giao hàng dự kiến với đội ngũ giao hàng thân thiện, giúp website nhận được rất nhiều thiện cảm của người mua hàng cho sự tận tâm, cố gắng của họ. Ngoài ra, dịch vụ hậu mãi khi mua hàng của 2 trang web này rất tốt. Khi sản phẩm của khách hàng gặp lỗi hay hư hỏng trong khâu vận chuyển, nhân viên chăm sóc khách hàng sẽ phản hồi rất nhanh những khiếu nại, thắc mắc phát sinh cũng như việc đổi trả hàng tại nhà vô cùng thuận tiện.
Tất cả những điều trên góp phần tạo dựng được uy tín cho website, mở rộng lượng khách hàng và làm tăng sức cạnh tranh cho công ty.
Chăm sóc khách hàng tốt là điểm cộng lớn cho website của bạn (Ảnh sưu tầm)
Chất lượng sản phẩm đảm bảo
Một doanh nghiệp thương mại điện tử dù mọi khâu kinh doanh đều chuyên nghiệp nhưng chất lượng sản phẩm bán ra quá kém thì không cách nào giữ khách được. Vì vậy, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu để website có thể tồn tại lâu dài.
Chất lượng sản phẩm có thể được đánh giá qua các chỉ tiêu khác nhau tùy thuộc vào loại hàng hóa, bao gồm chỉ tiêu sử dụng, chỉ tiêu độ tin cậy, chỉ tiêu thẩm mỹ, chỉ tiêu công nghệ...Dựa vào các tiêu chí cụ thể, chủ site nên lựa chọn những địa chỉ cung cấp nguồn hàng uy tín, đảm bảo để hợp tác làm ăn; cũng như ký hợp đồng với những cửa hàng chính hãng, showroom của những thương hiệu nổi tiếng để củng cố niềm tin cho người mua hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể đảm bảo chất lượng hàng hóa bằng cách áp dụng quá trình mua hàng theo ISO để đánh giá kỹ lưỡng những nhà cung cấp trước khi mua hàng lần đầu tiên và phải liên tục theo dõi tất cả các đặt đơn hàng tiếp theo. Nhờ vậy, công ty sẽ sàng lọc và lựa chọn được những nhà cung cấp tốt nhất, phù hợp nhất với mình và giảm rủi ro đối với nguyên vật liệu mua vào. Chủ web cũng nên giữ những chứng từ, hóa đơn giao dịch để có thể được kiểm định và chứng nhận chất lượng sản phẩm bởi Bộ Công thương Việt Nam. Song song với việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, trang web thương mại cũng nên mở rộng nguồn sản phẩm với xuất xứ cả trong và ngoài nước để cho khách có nhiều sự lựa chọn với mức giá ưu đãi.
Hợp tác cùng nhà cung ứng uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt (Ảnh sưu tầm)
Những kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ thành công của những ông lớn đầu ngành nêu trên chắc chắn sẽ hỗ trợ phần nào cho các startup mới bước chân vào nghề. Nắm bắt tâm lý khách hàng, tạo dựng được niềm tin trong kinh doanh thì con đường phía trước của các startup thương mại điện tử sẽ rộng mở hơn rất nhiều.