Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) là việc kêu gọi ủng hộ tài chính từ cộng đồng để một startup thực hiện ý tưởng của mình. Chủ dự án sẽ đăng dự án của mình trên website gọi vốn hoặc mạng xã hội, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư cá nhân góp vốn. Việc gọi vốn cộng đồng sẽ giúp startup có vốn thực hiện dự án mà không phải chịu sự kiểm soát của các cổ đông lớn.
“Kickstarter là một công ty huy động vốn đại chúng, cho phép các nhà phát triển, kinh doanh, sáng tạo có khả năng đem dự án của mình ra huy động vốn từ những người tiêu dùng thông thường trên mạng internet. Hình thức này khác rất nhiều so với mô hình huy động vốn cổ điển, như phải lập dự án, luận chứng kinh tế... để thuyết phục các nhà đầu tư.
Mô hình của Kickstarter thì lại giới thiệu trực tiếp các dự án đầu tư đến với người tiêu dùng và huy động vốn trực tiếp từ những “khách hàng tương lai” của dự án này. Các dự án trên Kickstarter được phân loại thành nhiều ngành, bao gồm từ phim ảnh, thiết kế nghệ thuật, sản phẩm tiêu dùng cho đến các dự án phần mềm game.
Với cách này, các dự án tránh được sự kiểm soát của các công ty đầu tư, sản xuất và tiếp cận với những người ủng hộ mình. Những dự án dù tâm huyết nhưng thiếu tính khả thi về mặt lợi nhuận thường sẽ bị gạt ngay trên bàn giấy của các công ty đầu tư nhưng khi đến với Kickstarter, nhiều người sẵn sàng chi trả một khoản tiền nhỏ để “chắp cánh” các dự án mà họ cho là thú vị và có triển vọng.
Đối với người dùng thông thường, việc được tự mình tham gia đầu tư vào các dự án yêu thích có rất nhiều ưu điểm. Hầu hết các dự án đưa ra trên Kickstarter đều thưởng bằng sản phẩm cho một mức đầu tư nhất định, với giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Các mức thưởng cao hơn còn tặng cho các nhà đầu tư những món quà độc nhất vô nhị như tư liệu phát triển, hình ảnh từ dự án hay quyền được đưa tên mình vào sản phẩm hoàn thành.” (Theo Báo Người Lao Động)
“Theo Boxme, khi một dự án được đưa lên Kickstarter để kêu gọi vốn, dự án bắt buộc phải xác định mức vốn đầu tư cần có và thời gian thực hiện chiến dịch gọi vốn cho dự án. Khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến kết thúc dự án (khoảng 30 – 40 ngày), số tiền nhận được phải bằng hoặc lớn hơn mức vốn đặt ra ban đầu. Để nhận được tiền đầu tư trên Kickstarter, người gọi vốn sẽ làm mọi cách để nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cộng đồng, bằng cách trình bày ý tưởng qua đoạn văn bản hoặc video ngắn thật chỉn chu để thuyết phục nhà đầu tư và tận dụng tối đa mạng xã hội (social media) để thu hút cộng đồng.
Theo đó, chủ dự án sẽ phải đặt ra nhiều gói phần thưởng và ưu đãi khác nhau, tương ứng với số vốn của nhà đầu tư. Trong suốt thời gian kêu gọi vốn, chủ dự án có thể nhận ý kiến phản hồi của cộng đồng, thay đổi chi tiết dự án và các phần thưởng cho nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư cũng có thể tăng mức vốn để nhận ưu đãi nhiều hơn và tham gia trực tiếp vào việc phát triển dự án.
Thông thường, khi kêu gọi góp vốn cộng đồng cho các ý tưởng startup, các nhà sáng lập (founder) sẽ phải ghi rõ các cam kết sau khi nhận được vốn. Ví dụ: cơ hội được dùng các sản phẩm mới đầu tiên, cơ hội được đặt hàng trước một sản phẩm và có tiếng nói trong việc phát triển sản phẩm đó, một phần thưởng độc quyền như được giảm giá hay có cơ hội được tham gia vào nhóm sáng lập hoặc được mua cổ phần khi lập công ty…” (Theo Trí thức trẻ)
Ngoài ra chúng ta có thể học được nhiều từ Kickstarter như:
1. Đây là nguồn tham khảo về các ý tưởng, tài liệu để có thể sáng tạo thêm.
2. Cách thức làm video, ấn phẩm giới thiệu dự án, để có thể thu hút được cộng đồng.
3. Xem cộng đồng thế giới đang ưa thích những sản phẩm dịch vụ nào, để có thể làm các sản phẩm/dịch vụ đáp ứng nhu cầu thế giới.