Tư vấn Dịch vụ văn phòng
 
Tổng đài hỗ trợ
(08) 372 44 404

Bài báo được phân tích bởi nhà xã hội học Oluwatosin Sidiquat Zubair về những triệu chứng tâm lý người lao động thường mắc phải do đại dịch COVID-19 gây ra, cũng như những nguyên nhân và cách ứng phó trước những tác nhân đó.

Dịch bệnh COVID-19 là hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng do vi rút corona 2 (SAR-CoV-2) gây nên, đã thay đổi hình thức làm việc hầu hết các quốc gia trên Thế giới, các chính phủ và người dân bắt buộc phải ở nhà để giảm sự lây lan vi rút (Cleeland, 2020). Trận đại dịch này đã và đang tạo ra nhiều sự thay đổi trong cách sống và làm việc của chúng ta trên toàn thế giới. Hầu hết các tổ chức đều phải chấp nhận chuyển sang hình thức mới là làm việc tại nhà (WFH - Working From Home). Mặc dù nhiều người lao động phải chuyển sang hình thức trên, nhưng sự điều chuyển này không hề dễ dàng. Tuy nhiên, không phải tất cả công việc đều được diễn ra ở nhà. Một số trường hợp cần người lao động đến văn phòng để thực hiện. Những người lao động trong trường hợp này được gọi là “những người lao động tuyến đầu - Frontline workers (FLWs)”. Đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng tâm lý lên những nhân viên này. Nghiên cứu bởi Tomer và Joseph (2020) đã nhận định “Frontline workers (FLWs)” là những người lao động trong các ngành công nghiệp thiết yếu mà cần phải có mặt, đến nơi làm việc thực hiện công việc. Họ là những người sẽ đứng ra thực hiện trực tiếp, hoàn thành các công việc. Hay, FLWs là những nhân viên thực hiện các công việc liên quan đến vận hành và những việc góp phần duy trì cơ sở hạ tầng quan trọng (Blau và cộng sự , 2020).

 

Bên cạnh sự ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, xã hội do dịch COVID-19 gây nên, các tác động tâm lý đối với từng cá nhân cũng rất lớn và khác nhau. Các kết quả mà hiệu ứng tâm lý này ảnh hưởng tới từng cá nhân là những điều mà FLWs mong đợi, nhằm giúp họ giải quyết những công việc thường nhật của mình. Họ luôn cố gắng thích nghi với trạng thái Bình thường mới*, bao gồm những quy định và hướng dẫn mới nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Một số ảnh hưởng tâm lý tiêu biểu phải kể đến là sự lo lắng, căng thẳng, trầm cảm, nỗi sợ dịch bệnh lây lan cho gia đình hay bạn bè, và sang chấn tâm lý hậu chấn thương (PTSD) (theo Rahman và cộng sự, 2020).

 

Ở một số tổ chức, FLWs thường sẽ là người đầu tiên, hay cuối cùng và là người duy nhất thay mặt công ty tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Sự tự tin và động lực của nhân viên từng được xem là một thách thức trước khi COVID-19 xuất hiện với việc lực lượng FLWs xếp hạng trong số những người có động lực thấp nhất (McGregor & Doshi, 2018). Cùng với khó khăn đó, các tổ chức hiện nay cũng đang đối mặt với những tình huống nhân viên rơi vào trạng thái căng thẳng cực độ về thể chất lẫn tinh thần, trạng thái mất tinh thần hoặc kiệt sức (Alhammadi và cộng sự, 2020).

 

Những nhiệm vụ thường ngày của FLWs đang thay đổi từng ngày và họ phải linh hoạt thích ứng với những tình hình biến động liên tục mới, đôi khi chịu áp lực cao. So với những công việc truyền thống như trước đây - đòi hỏi sự tương tác con người với nhau,  những người lao động này đối mặt sự thay đổi hoàn toàn khác - đó là sự duy trì khoảng cách với nhau, sử dụng những thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE - personal protective equipment), khử trùng. Điều này gây ra khó khăn lớn và tình huống khó xử mới giữa: tiếp xúc gần và giãn cách xã hội (Lotta, Coelho & Brage, 2020). Những công việc như đại diện khách hàng bán lẻ, kỹ sư công nghệ, là những người tiếp xúc với khách hàng thường xuyên, thường phải bận tâm về sự tiếp xúc và lây truyền của dịch COVID-19 hơn. Họ gặp khó khăn khi phải thực hiện những công việc có tính tương tác cao với khách hàng trong khi phải luôn quan sát, giữ khoảng cách cá nhân. Một vài FLWs phải vật lộn với việc thực hiện những công việc cũ và mới mà không được nhận bất cứ sự hỗ trợ cần thiết nào để giải quyết với tình huống mới. Hầu như FLWs đã bắt đầu quan tâm hơn đến khối lượng công việc, sức khỏe và những người xung quanh họ, nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần khi mà dịch bệnh này có thể gây những tác động tiêu cực như sự lo lắng, căng thẳng, trầm cảm (Rosemberg và cộng sự, 2021).

 

Những người lao động tuyến đầu FLWs hiện đang dần bị lãng quên và ít thu hút sự chú ý của công chúng hơn so với các nhân viên y tế (Voorhees, Fombelle & Bone, 2020).

 

Một nghiên cứu được tiến hành trên ngành khách sạn - nhà hàng, dịch vụ ăn uống, thực phẩm bán lẻ đã xác định 4 điều bất định mà nhân viên tuyến đầu FLWs phải trải qua: bị lây nhiễm và lây nhiễm cho người khác; nỗi sợ bởi những điều không biết; sự cô lập; nhu cầu khách hàng và công việc. Nhân viên thuộc những ngành này thường rơi vào trạng thái căng thẳng cao về tinh thần bởi bị ảnh hưởng từ môi trường làm việc và sự thay đổi từng ngày, khác hoàn toàn trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra (Rosemberg và cộng sự, 2021). Bốn tác nhân chính gây nên căng thẳng được tìm thấy ở các nghiên cứu khác bao gồm: nỗi sợ về những điều không biết; sợ hãi bị lây nhiễm; khách hàng lấn át, ngược đãi và vai trò của người thực thi quyền lực (Elnahla & Neilson, 2021).

 

Để giảm bớt những tác nhân gây căng thẳng và sự bất định gây nên, hầu hết các nhân viên áp dụng những hình thức cơ chế đối phó* khác nhau như tập thể dục, xem phim, nghe nhạc, đọc sách, dành thời gian cho con cái và người bạn đời, nấu ăn, dành thời gian uống rượu và hút thuốc ở ngoài trời, ít xem và cập nhật tin tức về COVID-19 hơn để duy trì niềm hy vọng và có cái nhìn theo hướng tích cực hơn (Rahman và cộng sự, 2020; Rosemberge và cộng s, 2021).

 

COVID-19 đã tác động lên tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó đặc biệt gây khó khăn cho lực lượng lao động tuyến đầu FLWs khi họ phải chịu rủi ro về sự an toàn của mình, khi thực hiện những công việc hàng ngày vì lợi ích của những người khác.

 

Người sử dụng lao động cần phải có những giải pháp cần thiết để hỗ trợ cho FLWs tốt nhất, xem họ như là đại sứ thương hiệu của công ty, tổ chức (Redmond, 2020). Lên kế hoạch về bảo vệ an toàn sức khỏe COVID-19, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ PPEs cho người lao động là một điều nên làm. Đưa ra những chương trình hỗ trợ người lao động, giao tiếp cởi mở, thường xuyên cập nhật tình hình, giao tiếp cùng với nhau, đánh giá cao những việc khó mà họ đã làm được, bằng sự công nhận và trao thưởng, và quan trọng nhất là giúp họ có thể cải thiện sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần với những chương trình, bài báo, công cụ chăm sóc sức khỏe.

 

Trận đại dịch không thể lường trước này đã gây ra sự căng thẳng không hề nhỏ và bắt buộc tất cả mọi người phải thích ứng nhanh chóng với những quy định và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe của chính phủ. Trong số đó, lực lượng lao động tuyến đầu FLWs là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đại dịch COVID-19 đã làm sáng tỏ nhiều điều hơn, thông qua các nghiên cứu, đã cho thấy tầm quan trọng và mức độ không thể thiếu của những người lao động tuyến đầu FLWs như thế nào, cũng như nhu cầu cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ kịp thời và điều kiện làm việc thuận lợi cho họ.

Theo Oluwatosin Sidiquat Zubair.

Ghi chú:

*Bình thường mới:

“Bình thường mới” hiểu đơn giản là những điều khác với những cái cũ. Có thể là những điểm mà trước đây mọi người cho là bất bình thường thì nó sẽ trở nên bình thường. Hoặc cũng có thể là những điều mà trước đây, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện thì nay, điều kiện mới bắt buộc chúng ta phải thực hiện nó nhanh hơn, vì nếu không thực hiện, sẽ không thể tồn tại trong thời đại mới. Dịch bệnh đã thay đổi về cấu trúc xã hội. Thay đổi này giống như một thời kỳ mới, không phải thay đổi nhất thời. “Bình thường mới” không phải cái gì cao xa, mà nó là những gì diễn ra xung quanh, từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế xã hội, đời sống sản xuất, cách thức tiêu dùng, cách thức sống, y tế, giáo dục… làm sao để thích ứng và phát triển. - Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng.

 

*Cơ chế đối phó (Coping mechanism):

Là những chiến thuật giúp chúng ta đối mặt với căng thẳng hoặc tổn thương tâm lý nhằm kiểm soát những cảm xúc tiêu cực tốt hơn và giữ được sự ổn định về mặt tâm lý. Nó giúp làm tăng khả năng phục hồi bằng cách giúp bạn nhận biết, học hỏi và giải quyết vấn đề, từ đó điều chỉnh được cảm xúc về mức ổn định.