Khi làn sóng khởi nghiệp đang lan nhanh trên từng ngóc ngách của các nước đang phát triển như Việt Nam thì ý nghĩa của các vườn ươm doanh nghiệp lại càng quan trọng. Có thể thấy điển hình như Singapore, Malaysia, Thái Lan,… những quốc gia có nền kinh tế thuộc top đầu Đông Nam Á đều rất quan tâm và chú trọng xây dựng một môi trường thuận lợi và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung bình mỗi quốc gia này có trên 130 vườn ươm doanh nghiệp.
Đây là một con số cách rất xa chúng ta. Hiện tại, ở Viêt Nam có khoảng 15-20 mô hình vườn ươm được xây dựng và phát triển ở hai trung tâm chính của Việt Nam là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Mô hình còn khá mới mẻ này tạm thời chia làm 3 nhóm: Vườn ươm trong các Khu công nghệ cao, Vườn ươm trong trường đại học và vườn ươm trong doanh nghiệp. Bài viết này sẽ đưa đến những thông tin cơ bản và vai trò của vườn ươm trường đại học, mà cụ thể là Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Đại học Bách khoa TP.HCM.
Trước hết, cần phải hiểu Vườn ươm doanh nghiệp là một tổ chức liên kết giữa Trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, chính quyền và các doanh nghiệp khởi sự (hay các nhóm, cá nhân có ý định thành lập doanh nghiệp). Tổ chức này hiểu nôm na như một "lồng ấp", một môi trường "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp “sơ sinh” trong một thời gian nhất định để các đối tượng này có thể vượt qua những khó khăn ban đầu, khẳng định sự tồn tại và phát triển như những doanh nghiệp độc lập. Nhìn chung, vai trò của Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ giải quyết những vấn đề sau:
Tạo điều kiện, là chất xúc tác giúp các doanh nghiệp khởi sự thành công, phát triển tinh thần kinh doanh.
Công cụ thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chuyển giao công nghệ và thương mại hoá thành công các ý tưởng công nghệ nhờ gắn kết chắt chẽ hơn môi quan hệ trường đại học - viện nghiên cứu – doanh nghiệp.
Có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển kinh tế địa phương.
Tác động tích cực tới mối quan hệ Doanh nghiệp - Chính phủ, là nơi kiểm nghiệm sự phù hợp, hiệu quả của các chính sách của chính phủ.
Cung cấp quỹ hạt giống (sead funding) cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc giúp đỡ các doanh nghiệp tìm kiếm, gia tăng nguồn vốn hạt giống.
Kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với mạng lưới nguồn lực để gia tăng cơ hội sống sót và tăng trưởng.
Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Đại học Bách khoa TP.HCM (HCMUT-TBI) được thành lập vào năm 2010 do Sở Khoa học công nghệ TP.HCM phối hợp với trường Đại học Bách Khoa TP.HCM thực hiện. Với mục tiêu ươm tạo, lồng ấp những ý tưởng/doanh nghiệp công nghệ khả thi vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và có khả năng thương mại hoá, đồng thời bồi dưỡng, đào tạo tăng cường năng lực quản lý cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài Vườn ươm, đào tạo khởi nghiệp, HCMUT-TBI là nhân tố thúc đẩy cho việc phát triển khoa học công nghệ ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hiện tại, Vườn ươm đang mở rộng nhiều dịch vụ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp như hỗ trợ văn phòng làm việc, hỗ trợ đào tạo tư vấn, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn tài chính…Ngoài ra còn có tư vấn tiền ươm tạo, cung cấp các kỹ năng mềm hay chăm sóc sau tốt nghiệp.
Sau hơn 7 năm hoạt động, bước qua nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật kĩ thuật cũng như kinh phí, Vườn ươm Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Đại học Bách Khoa TP.HCM đã gặt hái được một số thành quả nhất định, có thể kể đến một số cái tên nổi bật như công ty TNHH sản phẩm thiên nhiên Bách Khoa (BK Nature), công ty TNHH GPAT Toàn Cầu, ENVIBIOCHEM Binh Lan…