Phần Lan luôn được coi là một trong những trung tâm khởi nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Startup tại Phần Lan không chỉ nổi tiếng với những Startup kiểu giải trí như những chú Angry Birds mà còn là sự phát triển của hàng chục Startup trong lĩnh vực giáo dục với trị giá của mỗi Startup có thể lên tới 1 tỷ USD.
Chỉ trong năm 2014, tại Phần Lan có hơn 400 công ty mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao được thành lập.
Nguyên nhân của sự phát triển về khởi nghiệp tại Phần Lan là do Chính phủ Phần Lan tập trung hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên, chủ yếu là ở lĩnh vực công nghệ. Các Startup được sự hỗ trợ bằng những nghiên cứu khoa học từ chính các trường đại học ở Phần Lan. Các nghiên cứu này như một bệ đỡ quan trọng cho sản phẩm của các Startup đi đúng hướng, phù hợp với người dùng không chỉ riêng ở Phần Lan mà còn trên toàn cầu.
Tại Phần Lan, hầu hết các giáo viên, giảng viên đều chủ động về chương trình mình dạy và đều có khả năng tự nghiên cứu khoa học. Vì thế khi giảng viên có phát kiến gì đó họ có thể thúc đẩy nghiên cứu nó ngay trong lớp học rồi sẽ nhân rộng ra từ từ. Chính vì vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Phần Lan sẽ do giáo dục làm chủ, còn công nghệ chỉ là công cụ để phát triển các sản phẩm thực sự hữu dụng.
Giáo viên chủ động về chương trình giảng dạy cho sinh viên. Ảnh minh họa:Zing.vn
Dưới đây là 4 yếu tố giúp Phần Lan thúc đẩy khởi nghiệp thành công tại trường Đại học - theo nghiên cứu của Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đại Học Quốc gia TP.HCM (viết tắt là IEC).
Kết hợp giáo dục và khởi nghiệp
Tại Phần Lan, các trường đại học ngoài 2 chức năng truyền thống là nghiên cứu và đào tạo dựa trên nghiên cứu, thì chức năng thứ 3 không kém phần quan trọng là đóng vai trò chính trong việc cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới phục vụ cho phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo trong vùng. Để thực hiện chức năng thứ 3, chính phủ cung cấp 65% vốn và các trường đại học sẽ tự tìm 35% vốn còn lại.
Việc tìm hiểu dựa vào báo cáo của Piia Nurmi and Kaisu Paasio về “Entrepreneurship in Finnish universities” năm 2004. Báo cáo đã nghiên cứu 21 trường đại học tại Phần lan về hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó có 10 trường đào tạo đa ngành, 3 trường công nghệ, 3 trường kinh tế và 4 trường nghệ thuật, ngoài ra còn có các trường thuộc Bộ quốc phòng.
Để hiểu rõ giữa trường đại học và các hoạt động khởi nghiệp, bài báo đã chia các trường theo sứ mạng của họ.
a. Các trường đại học đa ngành
Với 18 chuyên ngành khác nhau nhưng khởi nghiệp được nhận định là liên quan đặc biệt đến kinh tế và công nghệ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khởi nghiệp không phải là sự quan tâm đối với các trường đa ngành.
b. Các trường đại học công nghệ
Có mối quan hệ mật thiết mạnh mẽ với cộng đồng kinh doanh và là cơ bản của trường đại học. Sinh viên điều hiểu về tinh thần khởi nghiệp. Các hoạt động kinh doanh được tổ chức thường xuyên.
c. Các trường đại học kinh tế
Đào tạo kinh doanh và khởi nghiệp thể hiện rất mạnh mẽ với nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, khởi nghiệp như một mục tiêu không đến được với tất cả sinh viên. Số lượng sinh viên học về khởi nghiệp và xem nó là quan trọng thấp hơn mục tiêu truyền thống là học về quản trị.
d. Các trường đại học nghệ thuật
Có sự liên quan khác nhau về thái độ đối với khởi nghiệp. Một số cho là có sự đối lập giữa nghệ thuật và khởi nghiệp. Tuy vậy cũng có vài trường hợp tự làm thuê cho chính mình, nhưng họ hiếm khi xem mình là doanh nhân khởi nghiệp.
e. Trường Phòng vệ quốc gia
Khởi nghiệp và các hoạt động khởi nghiệp không bao giờ được dạy và xuất hiện tại trường.
Theo bà Anita Lehikoinen, Bộ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan, chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, hệ thống giáo dục Phần Lan đã thực hiện nhiều cải cách lớn liên quan đến giáo dục đại học, trong đó có cuộc cải cách đại học năm 2010 nhằm hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong giới trẻ.
Tại Phần Lan, giáo dục khởi nghiệp rất mạnh, để ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên ở đây đã có thể "nghĩ về một công ty".
Đào tạo về kinh doanh cho sinh viên
Họ đưa các môn học về kinh doanh tới rộng rãi sinh viên. Các trường khuyến khích khởi nghiệp bằng cách tham gia sâu vào việc chuyển giao công nghệ và các mô hình spin off, phát triển các doanh nghiệp có sẵn bằng cách thương mại hóa dựa vào các nghiên cứu của trường.
*Mô hình Spin off: Công ty công nghệ spin off được hiểu là các công ty công nghệ triển khai các kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh, và được quản lý độc lập với cơ sở nghiên cứu. Công ty này phát triển và sản xuất sản phẩm từ công nghệ được phát triển bởi nhà nghiên cứu, và bán sản phẩm ra thị trường thông qua các kênh phân phối thích hợp. Hoặc ở quy mô thấp hơn, công ty spin off có thể là một kênh trung gian để tiếp tục phát triển công nghệ nhằm chuyển giao tới các doanh nghiệp sản xuất lớn hơn.
Phân biệt giữa Spin off và Startup
Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính phủ. Ví dụ TEKES, một công ty phi lợi nhuận của chính phủ chuyên cung cấp quỹ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo dưới hai hình thức là trợ cấp và cho vay khoản tiền tối đa là 50.000 euro. TEKES dành nguồn ngân quỹ 130 triệu euro mỗi năm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Khuyến khích sinh viên “có chung một tiếng nói”
Bên cạnh việc giáo dục trong trường học, các sinh viên Phần Lan còn được nhiều tổ chức phi Chính phủ như Văn phòng Thông tin Kinh tế (EIO) hỗ trợ để có thêm nhiều kiến thức thực tế.
Những người làm về thúc đẩy khởi nghiệp thường tổ chức chuỗi sự kiện dành cho thanh niên trong các lĩnh vực như lập trình và phát triển tư duy nhằm khuyến khích sự kết nối và khát vọng khởi nghiệp của sinh viên. Tại Phần Lan, sinh viên tiếp cận khởi nghiệp càng sớm càng tốt, bởi việc này sẽ giúp họ có được tiếng nói chung cho tương lai khởi nghiệp sau này.
Được hỗ trợ tài chính ngay từ khi mới khởi nghiệp
Giống như rất nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp khác, Phần Lan có hệ thống quỹ đầu tư và cơ sở hạ tầng rất tốt để hỗ trợ các thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được Cơ quan Gây quỹ Hỗ trợ Sáng tạo và Công nghệ (TEKES) hỗ trợ tài chính và thậm chí thuyết trình hộ dự án của họ.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hỗ trợ tài chính. Ảnh:Chungta.com
Ví dụ: trong năm 2015, TEKES đã cấp vốn cho 700 dự án khởi nghiệp khác nhau và trong 6 năm qua, TEKES đã rót tổng cộng 140 triệu Euro vào nhiều dự án khởi nghiệp khác nhau.
Giám đốc Điều hành TEKES- Jukka Hayrynen, việc giải ngân ban đầu cho các dự án khởi nghiệp là khá dễ dàng để các công ty khởi nghiệp có thể tìm kiếm thị trường cho bản thân. Tuy nhiên, chỉ có rất ít công ty khởi nghiệp thành công để có thể tiếp tục tiếp nhận vốn.
Theo ông Hayrynen, có rất nhiều nhóm tự cho rằng mình là các doanh nghiệp khởi nghiệp, con số này có thể lên tới 1.000 trong một năm và họ luôn tự cho rằng, họ sẽ sớm trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp cực kỳ thành công trong tương lai. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ khoảng 400 doanh nghiệp có thể cho thấy những dấu hiệu của một doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự với một mô hình kinh doanh cụ thể, các sản phẩm có thể đến tay khách hàng và các nhân viên có kỹ năng tốt và quyết tâm hướng đến thành công.
>>Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Phần Lan