Việc chính phủ Thái Lan thành lập các vườn ươm doanh nghiệp trong lòng đại học được xem là một trong những hoạt động chính trong thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp tại trường đại học.
Năm 1997, nền kinh tế “bong bóng” của Thái Lan đã bị nổ tung do nhiều yếu tố, mà một nửa trong số những nguyên nhân là do tác động xấu của tình hình thế giới, phần còn lại thuộc về những điểm yếu trong chính sách mà Chính phủ Thái Lan đã áp dụng.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính này, Chính phủ Thái lan đã đưa ra nhiều chính sách và chương trình để hồi phục lại nền kinh tế. Các chính sách về kinh tế quốc gia, kế hoạch phát triển xã hội, kế hoạch khuyến khích DNVVN đều tập trung vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Hoạt động này đóng vai trò như là những nhân tố chủ chốt trong quá trình hồi phục hậu khủng hoảng.
Và việc chính phủ Thái Lan thành lập các vườn ươm doanh nghiệp trong lòng đại học được xem là một trong những hoạt động chính trong thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy khởi nghiệp tại trường đại học.
Startup. Nguồn ảnh: Baodautu.vn
Khuyến khích thành lập vườn ươm doanh nghiệp trong lòng đại học
Chính phủ Thái Lan giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập các trường Đại học nghiên cứu quốc gia nhằm gia tăng việc nghiên cứu đầu ra trong các các lĩnh quan trọng phục vụ cho sức cạnh tranh quốc gia. Ủy ban giáo dục đã chọn ra chín trường Đại học nghiên cứu hàng đầu để cải thiện khả năng nghiên cứu, khuyến khích nghiên cứu sản xuất. Các trường Đại học bao gồm: Chulalongkorn University, Thammasat University, Mahidol University, Kasetsart University, King Mongkut’s University of Technology Thonburi, Chiang Mai University, Khon Kaen University, Suranaree University of Technology, và Prince of Songkla University.
Ngoài ra, Bộ Thông tin – Công nghệ truyền thông (ICT) đã lập một Quỹ kinh tế kỹ thuật số để hỗ trợ các startup về mảng công nghệ. Bộ này cũng tiếp xúc với các trường Đại học khác như: Sripatum King Monkut, Viện Công nghệ Lat Krabang,… nhằm thiết lập “Vườn ươm kỹ thuật số” thúc đẩy các ngành như du lịch, y tế, robot và công nghiệp sáng tạo,… Mục đích của việc này là nhằm khuyến khích khởi nghiệp và nghiên cứu thương mại hóa sản phẩm. Các Startup về công nghệ được mong đợi sẽ tạo nên làn sóng mới cho sự phát triển kinh tế kỹ thuật số của Thái Lan.
Những năm gần đây, Thái Lan đã đạt được một số thành tựu khi Chính phủ Thái Lan thông qua Ủy ban giáo dục của Bộ Giáo dục đưa ra các chính sách về đổi mới sáng tạo và hình thành các vườn ươm doanh nghiệp trong các trường đại học (UBIs – University Business Incubators). Mục đích của việc này là khuyến khích việc sử dụng rộng rãi các nghiên cứu cũng như quyền sỡ hữu trí tuệ (SHTT). Năm 2011, đã có 35 UBIs được thành lập với 327 trường hợp được ươm tạo và đã thành lập ra 60 doanh nghiệp. Các UBIs được triển khai dưới sự hỗ trợ liên kết giữa Đại học và Công nghiệp để cải thiện quá trình thương mại hóa công nghệ.
Nguồn: slideshare.net
Thái Lan cũng đang lên kế hoạch thành lập “Khu khởi nghiệp” tại Bangkok, Chiang Mai và một số tỉnh khác trên toàn quốc.
Mới đây nhất, Chính phủ Thái Lan cũng vừa dành thêm 2,5 tỉ Baht trong ngân sách 190 tỉ của tài khóa năm nay (tài khóa là hệ thống các chính sách của chính phủ về tài chính, thường được hoạch định và thực hiện trọn vẹn trong một năm) để giúp 27 trường đại học mở rộng các dự án nghiên cứu vì mục đích thương mại. Hoạt động này nằm trong nỗ lực thúc đẩy chính sách “Thailand 4.0”, đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Điều này sẽ khuyến khích các trường đại học hợp tác thay vì cạnh tranh với nhau như trước đây.
Phân tích cách thức vận hành của vườn ươm doanh nghiệp, sự liên kết giữa công viên khoa học, công viên đổi mới sáng tạo
Phân tích được dựa trên phương pháp nghiên cứu và phân tích của Giáo sư Jarunee Wonglimpiyarat, Trường Đại học đổi mới sáng tạo Thamasat, Thái lan.
Chương trình đổi mới sáng tạo tại Thái lan là một trong số các chính sách nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các DNVVN. Chương trình UBI được điều phối bởi Ủy bao giáo dục và các trường đại học nhằm cung cấp các dịch vụ mentoring và tư vấn liên quan đến khởi nghiệp. Các UBI hỗ trợ các nhà nghiên cứu và sinh viên của các trường đại học bắt đầu khởi sự một doanh nghiệp từ các dự án nghiên cứu. Trong năm 2013, Ủy ban giáo dục, Bộ giáo dục đã thiết lập một quỹ 172 triệu đô để hỗ trợ cho startup với mục đích tạo ra được 5.000 – 10.000 doanh nghiệp mới hàng năm.
Nguồn: CPA Global
Thái Lan cũng hoạch định chương trình hành động nhằm phát triển các DNVVN với việc đề ra 18 biện pháp cần phải thực hiện. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng thành lập Viện nghiên cứu phát triển DNVVN, củng cố các tổ chức như Tập đoàn bảo lãnh tín dụng kinh doanh nhỏ, Tập đoàn tài chính kinh doanh nhỏ, Hiệp hội công nghiệp.
Tỉ lệ thương mại hóa công nghệ tại Thái Lan cũng rất thấp. Vấn đề gặp phải là thiếu vắng hỗ trợ tài chính từ các quỹ đầu tư và các nhà đầu tư thiên thần cũng như là liên kết không hiệu quả giữa trường đại học và ngành công nghiệp. Kết quả là hầu hết các nghiên cứu điều trong giai đoạn “phôi thai” khó tiến ra thị trường. Các chính sách hỗ trợ SMEs không hiệu quả và quan liêu góp phần làm bế tắc việc thương mại hóa các nghiên cứu.
Nguyên nhân chính được đề cập tới là thiếu vắng một chính sách toàn diện giữa đại diện chính phủ với các DNVVN cũng như là sự chồng lấp giữa các chương trình của Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Công nghiệp. Xa hơn nữa, Thái lan chưa thật sự có mạng lưới kết nối giữa các bên trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin từ các quỹ hỗ trợ. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu ở các trường đại học cũng thiếu sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ, và các hoạt động không liên tục, bị thay đổi thường xuyên theo chính sách.
Một trong những giải pháp của Bộ Thông tin –Truyền thông (ICT) là Quỹ 20 tỉ Baht được dự kiến tài trợ cho 2500 doanh nghiệp startup nhằm chuyển đổi chiến lược truyền thống sang mô hình mới hơn để thúc đẩy đổi mới.
Phía Bộ Thương mại Thái Lan đã thông qua các cuộc đàm phán để tăng cường quan hệ với đối tác thương mại các nước nhằm mở cửa thị trường và giảm bớt rào cản thương mại. Biểu tượng “Thái Lan Trade Mark” đối với hàng hóa Thái Lan đã được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước. Đây được xem là sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ Thái Lan đối với ngành công nghiệp thực phẩm.
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho khởi nghiệp, Hiệp hội Khởi nghiệp công nghệ Thái Lan cũng sẽ yêu cầu chính phủ giảm bớt thủ tục hành chính, ưu đãi thuế bổ sung và cung cấp một số đặc quyền để thu hút đầu tư nước ngoài vào các startup địa phương.
Mục tiêu lớn nhất là vừa tăng sức cạnh tranh với doanh nghiệp khởi nghiệp các nước ASEAN khác, vừa đẩy mạnh năng lực xâm nhập thị trường khu vực với Việt Nam, Myanmar, Campuchia,…
Thương mại hóa công nghệ tại Thái lan
UBI được triển khai để hỗ trợ quá trình thương mai hóa bằng SHTT thông qua việc chuyển giao công nghệ. Song, nó vẫn chưa đạt được thành công. Ứng dụng mô hình Triple Helix giữa 3 bên: Chính phủ, Đại học và Công nghiệp, Thái lan đã thiết lập các Công viên khoa học ở gần các Đại học như: Công viên công nghệ và đổi mới sáng tạo của Cục đổi mới sáng tạo quốc gia nằm ở Băng cốc, xung quanh là các trường đại học Mahidol, King Mongkuts, Kasetsart, Chulalongkorn và đây cũng là khu vực xuất khẩu và công nghiệp.
Mặc dù đã thành lập các cụm mang yếu tố vật lý gắn liền với nhau, nhưng khả năng liên kết giữa các bên là rất yếu. Nó thiếu vắng các hoạt động tương tác giữa các bên. Để khuyến khích quá trình thương mại hóa tại Đại học, các hoạt động của UBIs phải kết hợp chặt chẽ cùng với văn phòng chuyển giao công nghệ và thương mại hóa của trường đại học. Tiếp theo là quá trình này khuyến khích cả về mặt tài chính và thuế để cải thiện việc khai thác IP và thúc đẩy thương mại hóa IP bằng việc khấu trừ chi phí R&D 200%.
Nguồn: Genk
Nó cũng chỉ ra rằng UBIs phải hợp tác với các đại diện của chính phủ như Công viên khoa học NSTDA và Công viên Đổi mới sáng tạo NIA để đẩy mạnh các ứng dụng từ các nghiên cứu trong đại học. Đặc biệt, các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, quỹ khởi nghiêp (VC) phải được thiết lập và duy trì mật thiết với các vườn ươm đại học. Vườn ươm cũng phải hoạt động như là một trung gian cung cấp các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn các công ty khởi nghiệp kết nối với các nguồn lực cần thiết khác nhau. Xa hơn nữa, các trường đại học cần có quỹ của chính mình để làm dễ dàng việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa. KPI cần đặt ra cho hoạt động ươm tạo là việc đo lường số lượng công ty được spin-off .
Thay lời kết:
➢ Bên cạnh tính chủ động, sáng tạo, tự thích ứng và vận dụng linh hoạt của bản thân doanh nghiệp và những nhà kinh doanh thì Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng và hỗ trợ cải thiện toàn diện khả năng đổi mới sáng tạo của quốc gia thông qua việc đưa ra các chính sách hỗ trợ thực tế, không chồng chéo và quan liêu; hình thành các tổ chức đại diện kết hợp với trường đại học, ngành công nghiệp để triển khai các chương trình, chính sách.
➢ Các trường đại học cần có vườn ươm doanh nghiệp với mục đích kết nối với chính phủ và ngành công nghiệp thông qua các Công viên khoa học nhằm hỗ trợ hạ tầng tiện ích giúp giảm thiểu nguy cơ cho các công ty mới. Ngoài ra, trong bối cảnh hiện tại, đang có những nỗ lực của giới đại học và cả giới doanh nghiệp nhằm thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Mullika Sangsanit (Suranaree University of Technology, Thái Lan) xây dựng những khóa học và các hoạt động nhằm huấn luyện tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên và gắn kết với sự phát triển của địa phương, khu vực.
➢ Hình thành các quỹ của trường đại học dưới sự hỗ trợ của chính phủ và ngành công nghiệp để dễ dàng triển khai thương mại hóa công nghệ.
Mời các bạn đọc thêm:
>> Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Mỹ
>> Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Phần Lan
>> Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Malaysia
>> Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Israel
>> Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Singapore
>> Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Đức
Hẹn gặp lại các bạn vào phần 8: Kinh nghiệm thúc đẩy khởi nghiệp tại các trường đại học của Đài Loan.