Chiều ngày 06/07/2018, hội thảo quốc tế “Lao động và dạy nghề trong nền kinh tế số - nhận thức và năng lực và một số đề xuất cho TP Hồ Chí Minh” do Khu công nghệ phần mềm - ĐH Quốc gia TP.HCM (ITP) phối hợp cùng Friedrich Elbert Stiftung Việt Nam (FES) tổ chức. Hội thảo bàn về vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để tạo động lực phát triển trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện lộ trình xây dựng khu đô thị sáng tạo và mô hình thành phố thông minh; đồng thời huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để đề ra một số giải pháp cho các thách thức mới thành phố gặp phải. Hội thảo với sự tham gia của đại diện từ Trung tâm đào tạo Sprockhövel-Công đoàn Kim khí Đức, từ Tổ chức lao động Quốc tế ILO và từ các trường Đại học, Trường dạy nghề tại TP.HCM, Bình Dương, Nam Định.
Các diễn giả tại buổi hội thảo
Ông Fritz Janitz, Giám đốc trường dạy nghề, Hiệp hội lao động cơ khí Đức (IG Metall) cho biết mô hình “Learning Factory” là những nhà máy sản xuất thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu trong lòng các trường đại học của Đức, được Đức áp dụng thành công hơn 15 năm trước.
Trong hội thảo, ông Janitz đã trình bày cụ thể về cách mô hình này phát huy hiệu quả tại Đức. Đó là là sinh viên ĐH có môi trường và cơ hội để thực hiện ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn với những sản phẩm cụ thể; đồng thời, công nhân nâng cao kinh nghiệm vận hành máy móc, cải tiến quy trình sản xuất.
Các diễn giả đóng góp ý kiến trong buổi hội thảo
Theo TS Đặng Hoài Vị, đại diện trường CĐ nghề Nam Định thì ở Việt Nam, việc hướng các sinh viên tiếp xúc với quy trình sản xuất thực tiễn hiện nay thường được thực hiện thông qua tăng cường hoạt động thực hành.Tuy nhiên, giáo dục nghề ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải một số khó khăn như: chất lượng đầu vào của học sinh, trình độ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ cho công việc thực hành. Vì thế, vai trò của hiệu trưởng của nhà trường trong việc liên kết và hợp tác với doanh nghiệp là rất quan trọng.
Các diễn giả chụp hình lưu niệm cuối buổi hội thảo
Ông Stephan Ulrich, đại diện Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) chia sẻ rằng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và trường ĐH phải dựa trên nền tảng là hai bên đều cần nhau và có nhu cầu hợp tác.
“Tính hợp tác chính là thứ mà trường ĐH và doanh nghiệp tại Việt Nam đang thiếu”- ông Stephan Ulrich nhấn mạnh.