Đại học (ĐH) Bách khoa TP.HCM sẽ là một trong những đơn vị đầu tiên của ĐH Quốc gia đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo cho sinh viên tất cả các ngành trong trường.
PGS. TS Mai Thanh Phong, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM đã chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo “ĐH khởi nghiệp nền tảng thành công trong thế kỷ 21” tổ chức sáng 24/07.
Đào tạo để nhận thức đúng về khởi nghiệp
Theo ông Phong đây là bước đi quan trọng của nhà trường để đào tạo, xây dựng cho sinh viên những nhận thức, kỹ năng trong khởi nghiệp. Cụ thể, trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ cùng với đội ngũ chuyên gia về khởi nghiệp thảo luận và soạn một bộ giáo trình chuẩn gồm các nội dung kiến thức về khởi nghiệp để truyền tải đến sinh viên.
Hiện nay phong trào khởi nghiệp tại các thành phố lớn, đặc biệt tại TP.HCM đang phát triển rất rầm rộ. Đây có thể xem là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng và đủ về khởi nghiệp. Khởi nghiệp tạo ra giá trị gì, đạt hiệu quả ra sao và phải đối mặt với những nguy cơ gì là những cầu hỏi cần được phải giải đáp.
“Việc đưa môn học khởi nghiệp vào trường ĐH là chúng tôi muốn giúp các em sinh viên nâng cao kiến thức, nhận thức về khởi nghiệp, định hình tư tưởng và giá trị cốt lõi khi khởi nghiệp”- ông Phong nói.
Hội thảo là nơi các chuyên gia chia sẻ về vấn đề đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong xu thế hiện đại. Ảnh: Hà Thế An.
TS Nguyễn Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng, Việt Nam phải tiếp cận giáo dục khởi nghiệp như với môn học tiếng Anh và Tin học như 20 năm trước.
TS Dũng lý giải, những năm 80 năm môn học tiếng Anh đến cấp học trung học cơ sở, học sinh mới được tiếp cận. Nhưng hiện nay, trẻ em mầm non đã được học môn này. Nếu như những năm 90, sinh viên ĐH mới được học lập trình trên máy tính, thì bây giờ học sinh cấp 1, cấp 2 cũng đã được tiếp cận với lập trình.
“Với sự thay đổi và biến chuyển không ngừng của khoa học công nghệ, nền giáo dục cũng phải đổi mới và có những thay đổi, cải tiến phù hợp với xu thế thời đại. Việc đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình chính thức là một phần trong sự thay đổi đó của chúng tôi. Giáo dục không đơn thuần là cung cấp kiến thức mà phải dạy cho sinh viên cách tư duy, sáng tạo, ứng xử tình huống…”- ông Dũng phân tích.
Ngoài môn học khởi nghiệp sẽ được triển khai trong thời gian tới, trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ thực hiện nhiều chương trình, dự án đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp như: Hạt giống khởi nghiệp, Ý tưởng khởi nghiệp (dành cho sinh viên), Teen Innovations (dành cho học sinh phổ thông)….
Khác biệt để thích nghi với sự phát triển khoa học công nghệ
Khởi nghiệp gắn liền với tri thức và sự đổi mới sáng tạo để tạo ra sự khác biệt, phục vụ cộng đồng. Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh chóng.
TS Nguyễn Ngọc Dũng, trích dẫn báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2030 con người chỉ làm 3 giờ mỗi ngày thay vì 8 giờ như hiện nay, bởi máy móc có thể làm thay hầu hết công việc. Tại Việt Nam, tác động của “cơn bão” này không hề nhỏ. Tại một số nhà máy sản xuất, robot đã được tự động hóa theo táo thông thường để tạo nên năng suất cao hơn, chất lượng ổn định, sản phẩm đồng bộ hóa và dễ quản lý. Xu thế thay đổi tính chất công việc trong thời gian tới là tất yếu.
Vì thế, theo các chuyên gia khởi nghiệp, mỗi doanh nghiệp, cá nhân phải tự mình thay đổi để phù hợp với xu thế của thời đại.
Th.s Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án khởi nghiệp cộng đồng và kiêm Trưởng mạng lưới VBM (Vietnam Bussiness Matching) để mỗi bạn trẻ bắt kịp với các xu thế của thời đại, cần phải được trang bị hệ thống những kiến thức, kỹ năng nền tảng. Và điều quan trọng nhất là quá trình học hỏi, tự đào tạo của bản thân để thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của khoa học và công nghệ.
Qúa trình học hỏi là rất quan trọng để tiếp thu cái mới và tạo ra sự khác biệt. Ngoài ra mỗi cá nhân phải trang bị cho mình những kỹ năng, nguyên tắc cần thiết để làm việc tốt như biết cân bằng giữa trực giác và logic, biết kết nối với mọi người để hợp tác, tự “bơm” cho mình nguồn năng lượng tinh thần (trí lực) để vượt qua khó khăn, học làm việc có kỷ luật…
“Mỗi người có khả năng nhận diện, đáp ứng và điều chỉnh để thích nghi tốt nhất với mọi thay đổi từ bên ngoài”- ông Tuấn Anh nói.
PGS. TS Nguyễn Anh Thi, giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phải chuyển dịch từ kinh tế khai thác sang kinh tế tri thức. Trong thời đại hiện nay, tài sản quan trọng nhất trong mỗi quốc gia không phải tài nguyên thiên nhiên, hoặc lực lượng lao động giá rẻ mà chính là tài nguyên chất xám từ con người- tài nguyên tri thức.
“Mỗi cá nhân khởi nghiệp phải đi trên con đường “chính đạo” là làm giàu dựa trên việc tạo ra các giá trị mới chứ không phải làm giàu dựa trên quan hệ và cạnh tranh không lành mạnh”- ông Thi nói.
Cũng theo ông Thi, mỗi cá nhân không thể tự khởi nghiệp một mình mà phải xây dựng một đội ngũ gồm những cá nhân có chuyên môn về một lĩnh vực cụ thể. Mỗi người sẽ phát huy một thế mạnh để cùng nhau vận hành một guồng máy trơn tru và có hiệu quả.
Trích từ Khampha.vn