Tư vấn Dịch vụ văn phòng
 
Tổng đài hỗ trợ
(08) 372 44 404

Nếu chỉ xét riêng về mặt tích cực của cơn đại dịch COVID-19, hóa ra con virus SARS-CoV-2 tí hon kia lại đang làm được những điều vĩ đại mà con người chưa làm được! Nó đóng thay vai trò của cuộc CMCN 4.0 và chiến lược quốc gia để thúc đẩy các doanh nghiệp lao vào công cuộc chuyển đổi số (digital transformation). Không cần viện dẫn đến mô hình Quản trị Sự thay đổi, loài virus này đang là một minh chứng sống cho nguyên lý thứ nhất của John Kotter: ”Tạo ra tình huống cấp bách cần phải thay đổi ngay”.

Trong cơn khủng hoảng toàn cầu, bài học vỡ lòng nhưng vẫn chưa thuộc này đã đặt ra cho các doanh nghiệp phải nghiêm túc suy nghĩ về lời giải của hai bài toán mà bình thường có lẽ chúng ta chưa nghĩ đến:

- Thiết lập hệ thống BCP (Business Continuity Plan) nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục khi phải đối mặt với các biến cố thảm họa lớn như là một phần chủ yếu trong chiến lược quản lý rủi ro của tổ chức mình.

- Văn hóa và tư duy đời mới sáng tạo.

Trong khuôn khổ bài viết, tôi chỉ xin bàn về nội dung thứ hai.

Trong hoàn cảnh này, thách thức lớn nhất của đổi mới sáng tạo (ĐMST) không phải là lý do Tại sao mà là khởi đầu Như thế nào?

Sau đây là một số gợi ý với rất nhiều phương pháp ĐMST khác nhau như Tập kích não (brainstorming), bản đồ tư duy (mindmap), Sáu chiếc mũ (Six Thinking Hats), phương pháp sáng tạo TRIZ, và đặc biệt là SCAMPER – một phương pháp tư duy sáng tạo của Alex Osborn. Phương pháp này cũng được Bob Eberle sắp xếp lại thành một bản ghi nhớ có hệ thống. Michael Mikalko, một sỹ quan tình báo Hoa Kỳ và trưởng một nhóm dự án của NATO từng vận dụng SCAMPER để phát triển thành các trò chơi tư duy vào mục đích huấn luyện, xây dựng “kho ý tưởng” và các giải pháp sáng tạo cho các tập đoàn lớn trên thế giới như DuPont, GE, Kodak, GM, Exxon, Microsoft, AT&T,…

Vậy SCAMPER là gì? Đó là cụm từ viết tắt từ các chữ cái đầu tiên bằng tiếng Anh của 7 nội dung sau đây:

1. Substitue/Thay thế: câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể thay thế những nguyên vật liệu, phương pháp, địa điểm, quy trình… nào khác để cải tiến sản phẩm dịch vụ của công ty mình hay không?

2. Combine/Kết hợp: Kết hợp các sản phẩm/dịch vụ khác nhau thành sản phẩm/dịch vụ mới có nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

3. Adapt/Thích nghi: sự vay mượn ý tưởng cho tính năng và tác dụng hay công dụng sản phẩm/dịch vụ hiện tại được sử dụng trong một trường hợp khác.

4. Modify or Maximize, Minimize/Điều chỉnh hoặc tối đa hóa tối thiểu hóa: có thể điều chỉnh, thay đổi hình dáng và kích thước hay màu sắc, bổ sung những tính năng khác để tăng thêm giá trị cho sản phẩm.

5. Put to Other Uses/Sử dụng vào mục đích khác: tìm cách sử dụng các sản phẩm/dịch vụ thông thường hoặc tái sử dụng các vật bỏ đi vào những việc khác.

6. Eliminate/Loại bỏ: loại bỏ bớt một số tính năng không cần thiết hoặc lãng phí trong quy trình để sản phẩm đơn giản và giá thành rẻ hơn, thậm chí tạo ra sản phẩm mới ưu việt hơn.

7. Rearrange or Reverse/Đảo ngược: tái cấu trúc hay đảo ngược trình tự cung cấp dịch vụ hay quy trình sản phẩm cũng giúp các bạn thoát ra khỏi lối mòn trong tư duy với các sản phẩm thế mạnh của mình.

chia se khoi nghiep scamper

SCAMPER là cụm từ viết tắt từ các chữ cái đầu tiên bằng tiếng Anh của 7 nội dung

 

Một số gợi ý cho việc thực hành SCAMPER này là:

+ Phát triển các kênh tìm kiếm khách hàng tiềm năng mới.

+ Phát triển sản phẩm dịch vụ mới trong thời kỳ và hậu thời kỳ COVID-19.

+ Phát triển năng lực bản thân trong việc tận dụng thời gian giãn cách xã hội.

+ Tìm kiếm những ý tưởng khởi nghiệp mới khả thi nhất.

Chúc các bạn may mắn và thành công khi xây dựng cho mình thật nhiều ý tưởng mới nhé.

Người viết: NGUYỄN VIẾT ĐĂNG KHOA - Chuyên gia tư vấn Công ty Tư vấn Kim Đăng