TP Thủ Đức là cơ hội để TP.HCM đưa ra những giải pháp thông minh, sáng tạo nhất nhằm thúc đẩy phát triển khu vực, hình thành chính quyền quản lý dựa trên tư duy chuyển đổi số, xã hội số và một nền công nghệ, dịch vụ. Đồng thời đón nhận trào lưu của thế hệ mới là trí tuệ, thông tin, dữ liệu số…”. Đây là khẳng định của các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm do Tuổi Trẻ tổ chức nhân kỷ niệm 30-4 và chào đón TP Thủ Đức đi vào hoạt động, bắt đầu bằng câu hỏi nhiều trăn trở: 

“Làm gì để TP Thủ Đức bứt phá?”, với sự tham gia của các chuyên gia về pháp lý, công nghệ, giao thông đô thị và cả người dân Thủ Đức.

Có hết nhưng lại như “chưa có gì”

Là người đang làm việc tại TP Thủ Đức, TS Trương Minh Huy Vũ – giám đốc Khu công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM – bắt đầu tọa đàm bằng trăn trở: “TP Thủ Đức là cơ hội hay vấn đề?”. 

Ngược về lịch sử, theo ông Vũ, TP Thủ Đức hình thành trên khu vực có sẵn tiềm năng dựa trên quá trình hình thành khu đông của TP.HCM trong nhiều thập niên trước; có hạ tầng giao thông, dịch vụ đô thị hoàn chỉnh và có tiềm năng tốt.

TP Thủ Đức cũng là một phần kết quả của mô hình chính quyền đô thị được TP.HCM theo đuổi từ rất lâu, với một thành phố trung tâm và bốn thành phố vệ tinh.

Ông Vũ nhận định: “Hình thức đã sẵn từ bộ máy, đề án, định hướng, quy hoạch, hạ tầng giao thông, nhưng đặt vào kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo TP.HCM thì Thủ Đức vẫn như chưa có gì. Kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM không phải xây dựng TP Thủ Đức tiếp nối một khu đô thị phát triển như lâu nay mà đưa lên một tầm mới là trung tâm số 1 về khởi nghiệp quốc gia, trung tâm trí tuệ nhân tạo của Đông Nam Á, kỳ vọng là trung tâm logistics… Đây là cả một thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực, là vấn đề hơn là cơ hội”.

Dẫn chứng rõ hơn về điều kiện hiện tại của TP Thủ Đức, ông Lê Thanh Tùng (phường Tân Phú, TP Thủ Đức) – người đã sinh sống từ thời còn huyện Thủ Đức cũ – chia sẻ: vấn nạn nhức nhối nhất của TP Thủ Đức cũng như nhiều quận, huyện ở TP.HCM là ngập nước và kẹt xe triền miên ngày này qua ngày khác.

“Tôi nghĩ TP Thủ Đức mới, trẻ sẽ giải quyết được câu chuyện kẹt xe để trở thành thành phố đáng sống. Mong đến một ngày người nào muốn thoát cảnh kẹt xe thì về Thủ Đức sinh sống”, ông Tùng kỳ vọng.

TS Vũ Anh Tuấn – giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải (Trường ĐH Việt Đức) – đánh giá: tỉ lệ đất giao thông và giao thông công cộng ở TP Thủ Đức rất thấp. Giao thông công cộng tại TP.HCM hiện nay mới chỉ có xe buýt với mật độ 0,67 km đường/km2.

Xe buýt tập trung ở một số trục đường chính, mật độ không đồng đều, trong khi tuyến metro số 1 hoàn thành quá chậm. Mật độ đường giao thông thấp, không có nhiều lối đường kết nối giữa Xa lộ Hà Nội và đường cao tốc; nhiều khu vực có đường hẹp, cầu yếu và thậm chí không có giao thông. Đó là những thách thức.

Thủ Đức không phải phép cộng gộp ba quận

Cả chuyên gia lẫn người dân đều nhìn nhận việc “thay da đổi thịt” biến TP Thủ Đức thành cực tăng trưởng mới là thách thức lớn. Vậy hóa giải thách thức đó để thành cơ hội như thế nào? PGS.TS Phạm Duy Nghĩa – Đại học Fulbright Việt Nam – cho rằng TP Thủ Đức là cơ hội để TP.HCM đưa ra những giải pháp thông minh, sáng tạo nhất thúc đẩy phát triển khu vực.

Thủ Đức phải là thành phố cho những thử nghiệm mới, dựa trên phương thức mới, tạo ra chính quyền quản lý dựa trên tư duy kỹ thuật số, chuyển đổi số, xã hội số. Một nền công nghệ, dịch vụ đón nhận trào lưu của thế hệ mới là trí tuệ, thông tin, dữ liệu số.

Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Mô hình TP Thủ Đức tương tự phố Đông của Thượng Hải ở chỗ có một trung tâm tài chính. Nếu muốn TP.HCM trở thành trung tâm tài chính thì không chỉ xây dựng những tòa nhà văn phòng, ngân hàng mà cần cả những thể chế sáng tạo để thu hút các doanh nghiệp và người dân sẵn sàng giao dịch.

Mục tiêu này đòi hỏi TP.HCM phải là nơi thực hiện những giao dịch lớn, nơi thực hiện các thương vụ lớn, nơi khởi nguồn cho những quyết định đầu tư. Để được vậy, TP phải có những dịch vụ liên quan đến ngân hàng, đánh giá năng lực đối tác, thẩm định, nghiên cứu thị trường, các dịch vụ bảo hiểm, tài chính, hàng hải, luật sư, những dịch vụ thúc đẩy phi ngân hàng”.

Ông Nghĩa gợi ý thêm chính quyền TP Thủ Đức phải xây dựng trên tư duy nhà nước kiến tạo sân chơi cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy và tạo ra sự phát triển.

Sứ mệnh của chính quyền từ vai quản lý, cung cấp dịch vụ công được chuyển thành vai điều phối, tương tác, dẫn dắt. 

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng bày tỏ nhiều lo ngại: “Những quy định hiện hành chưa cho thấy lời giải, những nghị quyết có liên quan đến việc thành lập TP Thủ Đức còn hết sức chung chung”. TS Vũ Anh Tuấn góp ý thêm tại TP Thủ Đức phải có cơ chế mở để chính quyền dám thử nghiệm, lãnh đạo thêm nhiệt huyết. Điểm chính là tạo ra một cơ chế mới để phát triển ứng dụng vào tất cả các lĩnh vực từ công nghệ thông tin, tài chính, giao thông, kinh tế xã hội. “TP Thủ Đức cần phải có sự độc lập tương đối với TP.HCM. Nếu nó vẫn được kèm cặp như một quận hay ba quận gộp lại của TP.HCM với nhiều lớp thẩm quyền, không có độ tự do thì không thể có thông minh, sáng tạo được”, ông Tuấn phân tích.

Bàn tiếp vấn đề này, ông Nghĩa nhận định: muốn thực thi được cơ chế đặc thù, cơ chế mở, chính quyền TPHCM nên trao quyền tự chủ cho TP Thủ Đức và có cơ chế đánh giá dựa trên năng lực thực thi. Chính quyền TP Thủ Đức sẽ chịu trách nhiệm giải trình với cấp trên, với hệ thống giám sát và người dân.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đang được xây dựng. Ảnh: báo Tuổi Trẻ

 

Trích: Báo Tuổi Trẻ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *